• Nhóm kín víp prồ, đỉnh của chóp 👉 xamvn

Thời sự tòa phúc thẩm đánh giá việc bà Chúc nghe theo lời hai người không quen biết qua điện thoại, mở tài khoản, gửi tiền, cài phần mềm bảo mật khiến bị lộ

daodiemq

Tiến sĩ
Chiều hôm qua 2-7, sau khi bác kháng cáo của bà Chúc, tòa phúc thẩm tuyên Techcombank không phải bồi thường 14,6 tỉ đồng cho bà, hội đồng xét xử chuyển sang giải quyết vụ án bà Chúc kiện Vietcombank với số tiền bị mất là 11,9 tỉ đồng.

Phiên tòa diễn ra lúc hơn 17h20 cùng ngày, tuy nhiên sau khoảng hai tiếng làm việc, đến hơn 20h, trước nhiều câu hỏi dồn dập của chủ tọa, bà Chúc tỏ ra mất bình tĩnh, gào khóc, được luật sư trấn an.

Con gái, người thân dìu bà Chúc ra ngoài. Sau khi hội ý, hội đồng xét xử tạm dừng phiên xử và tiếp tục xét xử vào hôm nay 3-7.
Tại phiên tòa hôm nay, nguyên đơn Trần Thị Chúc xin xét xử vắng mặt với lý do sức khỏe không đảm bảo, có đề nghị xin hoãn, dời phiên xử sang hôm khác, tuy nhiên tòa không chấp nhận.

Nội dung vụ án thể hiện tháng 4-2022, bà Chúc được hai người tự xưng là cán bộ giao thông và công an ở Đà Nẵng thông báo bà liên quan đến một đường dây tội phạm.

Đối tượng yêu cầu mở hai tài khoản ngân hàng, cài đặt "phần mềm bảo mật" vào điện thoại và nộp 26,5 tỉ đồng vào tài khoản để chứng minh nguồn tiền của bà là trong sạch.

Nghe lời, bà Chúc đăng ký mở hai tài khoản ngân hàng tại Vietcombank chi nhánh Kinh Bắc và Techcombank chi nhánh Từ Sơn. Bà Chúc sau đó đã huy động người thân chuyển tiền vào hai tài khoản ngân hàng, trong đó chuyển vào tài khoản mở tại Vietcombank chi nhánh Kinh Bắc số tiền 11,9 tỉ đồng.

Ít ngày sau bà đến trụ sở ngân hàng kiểm tra số dư thì tá hỏa phát hiện tài khoản chỉ còn 114.000 đồng, trong khi không thực hiện bất cứ giao dịch rút tiền nào.

Bà Chúc khởi kiện, yêu cầu ngân hàng bồi thường toàn bộ số tiền 11,9 tỉ đồng, vì cho rằng nhân viên ngân hàng có lỗi nghiệp vụ chuyên môn dẫn đến sự việc bà bị rút mất tiền.

Tòa sơ thẩm tuyên Vietcombank phải bồi thường 700 triệu đồng cho bà Chúc là một phần thiệt hại trong tài khoản mà bà mở tại ngân hàng này. Bà Chúc và Vietcombank cùng kháng cáo, viện kiểm sát cũng kháng nghị toàn bộ bản án.

Tòa phúc thẩm: Lỗi của khách hàng, không phải của Vietcombank​

Tại phần tranh luận hôm nay, trình bày quan điểm, luật sư của Vietcombank cho hay bà Chúc cáo buộc Vietcombank không phản ứng kịp thời, không có biện pháp giảm thiệt hại khi xảy ra sự cố, nhưng "bà Chúc không yêu cầu thì ngân hàng không thực hiện được".


Theo luật sư, Vietcombank theo quy định chỉ thực hiện quy trình xử lý khẩn cấp nếu khách hàng, cơ quan cảnh sát điều tra, hoặc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu.

"Vietcombank cũng không thể yêu cầu các ngân hàng khác dừng giao dịch với dòng tiền của bà Chúc, trong khi Ngân hàng Nhà nước hay cơ quan công an đều không có yêu cầu", luật sư nêu quan điểm.

Trình bày quan điểm, luật sư Lê Ngọc Hà bảo vệ quyền lợi cho bà Chúc viện dẫn mốc thời gian toàn bộ quá trình tư vấn thủ tục mở tài khoản cho thân chủ chỉ khoảng 4 phút, gồm cả thời gian điền và ký nhiều giấy tờ.

"Vậy lúc nào là lúc nhân viên tư vấn quy định và khuyến cáo bảo mật cho khách, trong khi riêng 4 điều khoản trên website Vietcombank, tôi in ra đã được mấy chục trang?", luật sư Hà cho hay.
Theo luật sư Hà, nhân viên quầy giao dịch "chỉ có động tác chỉ tay vào giấy" cho bà Chúc biết chỗ nào cần ký, không có căn cứ cho việc đã tư vấn đầy đủ, làm đúng trách nhiệm.

Luật sư cho rằng bên sử dụng dịch vụ là bà Chúc đã làm đủ trách nhiệm khi đến mở tài khoản, tức là cung cấp thông tin, giấy tờ tùy thân, điền phiếu xác nhận theo hướng dẫn của nhân viên.

Còn Vietcombank, bên cung ứng dịch vụ, có nghĩa vụ cung cấp thông tin, tư vấn, nhưng không làm, như vậy là có lỗi.

Cũng theo luật sư Hà, luật sư của Vietcombank bào chữa theo hướng bà Chúc có lỗi ở việc tạo sơ hở cho kẻ gian, nghe theo, cài đặt phần mềm độc hại nên mới mất tiền.

Luật sư của bà Chúc xác định lỗi trên, nếu có, thì nằm ngoài phạm vi tranh chấp hoạt động cung ứng dịch vụ thanh toán mà tòa đang xét xử, không xem xét trong vụ án này.

"Hơn nữa các thông tin về vụ lừa đảo này, chỉ mang tính tham khảo, vì Công an Bắc Ninh đang tạm đình chỉ điều tra, chưa có kết luận chính thức, nên không thể lấy nguồn thông tin đó để làm chứng cứ trong vụ án này", luật sư Hà phân tích.

Nêu quan điểm, viện kiểm sát giữ nguyên kháng nghị, đồng ý với Vietcombank về việc "ngân hàng không có lỗi".
Sau 10 phút nghị án, Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Ninh tuyên bác toàn bộ kháng cáo của bà Trần Thị Chúc. Tòa chấp nhận kháng cáo của Vietcombank và kháng nghị của viện kiểm sát.

Như vậy đồng nghĩa với việc Vietcombank không phải bồi thường số tiền 11,9 tỉ đồng cho bà Chúc.

Nhận định tương tự bản án trong vụ án liên quan Techcombank, tòa phúc thẩm đánh giá việc bà Chúc nghe theo lời hai người không quen biết qua điện thoại, mở tài khoản, gửi tiền, cài phần mềm bảo mật khiến bị lộ thông tin bảo mật ngân hàng, "đây là nguyên nhân khiến bà mất tiền, lỗi của bà, không phải của Vietcombank".
 

daodiemq

Tiến sĩ
Chủ thớt

Tòa phúc thẩm đánh giá khách hàng Trần Thị Chúc đã cài phần mềm bảo mật, gián tiếp tạo điều kiện cho kẻ lừa đảo lấy hết tiền, nên tuyên ngân hàng không phải bồi thường. "Lỗi hoàn toàn do bà", hội đồng xét xử kết luận.​


Chiều 2-7, Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Ninh mở phiên phúc thẩm giải quyết vụ án dân sự về tranh chấp hoạt động cung ứng dịch vụ thanh toán giữa nguyên đơn là khách hàng Trần Thị Chúc (50 tuổi, ở Bắc Ninh) và bị đơn là Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank).
Vụ án giữa bà Chúc với bị đơn là Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) được tòa xét xử trước.

Bị lừa 14,6 tỉ đồng sau cuộc gọi của công an "dỏm", khách kiện ngân hàng​

Theo đơn tố giác tội phạm của bà Trần Thị Chúc gửi Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bắc Ninh, bà tố cáo người tên Tô Ngọc Dầu tự giới thiệu công tác tại Cục Quản lý giao thông đường bộ Đà Nẵng và người khác tên Hải tự xưng cán bộ tại Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy.
Bà cho rằng qua các cuộc điện thoại mình đã bị những người này lừa hơn 26,5 tỉ đồng.
Họ thông báo bà tham gia giao thông gây tai nạn tại thành phố Đà Nẵng và liên quan đường dây buôn ma túy, rửa tiền.
Người tên Hải yêu cầu bà Chúc mở hai tài khoản ngân hàng, cài đặt phần mềm bảo mật vào điện thoại, tiếp tục yêu cầu bà chuyển 26,5 tỉ đồng vào hai tài khoản ngân hàng để chứng minh nguồn tiền của bà là trong sạch và không liên quan đến đường dây buôn ma túy, rửa tiền.
Tin lời, bà Chúc làm theo hướng dẫn, cài đặt phần mềm (có thể đọc, gửi, xử lý tin nhắn; đọc, tạo mới lịch sử cuộc gọi, truy cập vị trí thiết bị…) rồi đến ngân hàng mở tài khoản, chuyển tiền vào.
Trong đó, ngày 23-3-2022, bà Chúc đến Techcombank chi nhánh Từ Sơn, mở tài khoản, chuyển vào hơn 14,6 tỉ đồng.
Bà Chúc cho rằng trong khoảng thời gian chuyển tiền vào các tài khoản, bà không nhận được bất cứ cuộc gọi điện thoại hay tin nhắn nào về biến động số dư tới số điện thoại mà bà đã đăng ký khi mở tài khoản.
Ngày 25-4-2022, bà Chúc đến trụ sở 2 ngân hàng kiểm tra số dư thì "sốc" vì phát hiện trong tài khoản mở tại Techcombank còn 0 đồng, trong khi không thực hiện bất cứ giao dịch rút tiền nào.
Bà Chúc khởi kiện, yêu cầu ngân hàng bồi thường toàn bộ số tiền 14,6 tỉ, vì cho rằng nhân viên ngân hàng có lỗi nghiệp vụ chuyên môn dẫn đến sự việc bà bị rút mất tiền.
Tòa sơ thẩm đánh giá Techcombank có một phần lỗi, tuyên buộc bồi thường cho bà Chúc 800 triệu. Bà Chúc và Ngân hàng Techcombank cùng kháng cáo, viện kiểm sát cũng kháng nghị toàn bộ bản án.

Ngân hàng nói đã tư vấn đầy đủ, khách hàng khẳng định "không được tư vấn gì"​

Tại phiên phúc thẩm hôm nay, nhân viên Techcombank trực tiếp mở tài khoản cho bà Chúc vắng mặt, giữ nguyên các lời khai trong phiên sơ thẩm.
Nhân viên này và đại diện Techcombank khẳng định đã tư vấn đủ, rõ ràng các quy định, hướng dẫn thủ tục mở, sử dụng tài khoản cho khách hàng...
Ngược lại, bà Chúc cho biết khi mở tài khoản bà "không được tư vấn gì". Bà cho rằng khi đến ngân hàng chỉ yêu cầu mở tài khoản, sau đó nhân viên tự điền hết thông tin, tự tick vào các dịch vụ, trong đó có chuyển tiền qua Internet banking.
Đối đáp lại, đại diện Techcombank cho hay theo luật, không bắt buộc khách hàng phải tự điền thông tin, nhân viên ngân hàng có thể giúp khách làm điều này. Sau đó, nhân viên đưa cho khách đối chiếu, rà soát và chắc chắn, chỉ tick vào các dịch vụ mà khách đăng ký.
Luật sư Lê Ngọc Hà (Đoàn luật sư Hà Nội), bảo vệ quyền lợi cho bà Chúc, sau đó đề nghị tòa phát lại video hôm bà Chúc đến Techcombank mở tài khoản, để đối chất "giờ nào phút nào, tư vấn gì?".
Tuy nhiên, Techcombank cho hay đã trình chiếu tại phiên sơ thẩm, nên lần này không mang USB chứa video theo. Hơn nữa, video chỉ có hình, không có tiếng.
Tòa cho rằng "phần quan trọng nhất là âm thanh thì video không có", nên quyết định không phát lại.
Hội đồng xét xử sau đó hỏi bà Chúc trước khi xảy ra vụ việc này, bà đã từng mở tài khoản ngân hàng và thao tác chuyển tiền qua Internet banking chưa? Bà Chúc cho hay trước Techcombank, bà đã có tài khoản tại hai ngân hàng khác, từng thao tác chuyển tiền qua Internet banking.
"Ai bảo mở tài khoản, chuyển tiền vào, ai bảo cài phần mềm bảo mật, tại sao không quen biết họ nhưng vẫn làm theo" - chủ tọa truy vấn. Bà Chúc nói "quá lâu, tôi không nhớ".
Hội đồng xét xử chất vấn: "Thế có phải vì hai người tự xưng công an đấy yêu cầu nên chị mới đi mở tài khoản không?".

Bà Chúc cho biết cần mở tài khoản để giao dịch thì mở. "Tôi nghĩ tiền để ngân hàng an toàn, họ bảo mật tốt thì tôi mở thôi chứ không ai xui".
Tòa liền phân tích, nguyên đơn ít nhất đã có kinh nghiệm mở tài khoản ngân hàng, từng chuyển tiền qua điện thoại, không thể nói là không biết gì, nhân viên bảo gì ký đó mà không đọc.
Luật sư Lê Ngọc Hà cho rằng trong vụ án này, nếu nhân viên Techcombank thực hiện đúng, đủ trách nhiệm khi tiếp xúc, tư vấn thủ tục mở tài khoản mới cho bà Chúc, hướng dẫn cho khách sử dụng tài khoản an toàn, bảo mật thông tin, cảnh báo thủ đoạn của kẻ gian để khách hiểu, nắm bắt thì bà Chúc không dễ bị kẻ xấu lợi dụng sự thiếu hiểu biết để lừa đảo.
Với quan điểm của Techcombank về việc khách mất tiền hoàn toàn do khách, không liên quan ngân hàng, luật sư Hà cho rằng "như vậy là chưa đúng".
"Ngân hàng nào cũng phủ nhận trách nhiệm, nói không liên quan đến sự an toàn của tiền trong tài khoản của khách, thì lâu dần còn ai dám tin nữa", luật sư Hà nói.
Nêu quan điểm, Techcombank khẳng định làm đúng trách nhiệm theo quy định pháp luật về tổ chức cung ứng dịch vụ.

Ngân hàng cho rằng khách hàng Chúc chưa tuân thủ đúng quy định của pháp luật và điều khoản ngân hàng khi mở tài khoản về việc bảo mật thông tin tài khoản, quản lý số dư.

Về việc Techcombank có trách nhiệm bảo vệ tiền của khách không, vị đại diện cho rằng cả ngân hàng và khách đều có trách nhiệm như nhau.

Riêng trường hợp bà Chúc, Techcombank làm đúng trách nhiệm nhưng khách lại không thực hiện đúng trách nhiệm của mình, tự ý cài đặt phần mềm vào điện thoại. Vì vậy, "khách mất tiền hoàn toàn do lỗi của khách, khách phải tự chịu trách nhiệm".

Nêu quan điểm sau đó, đại diện viện kiểm sát đề nghị tòa chấp nhận yêu cầu của Techcombank, tuyên ngân hàng này không phải bồi thường cho bà Chúc.

Tòa phúc thẩm: "Lỗi hoàn toàn do khách hàng"

Sau khoảng 10 phút nghị án, hội đồng xét xử nhận định dù thời điểm mở tài khoản, bà Chúc không được biết toàn bộ nội dung các điều kiện điều khoản trên website của Techcombank nhưng đã được nhân viên ngân hàng giải thích cơ bản.

Bản án sơ thẩm đánh giá việc bà Chúc không biết các điều khoản này là nguyên nhân gián tiếp dẫn đến mất tiền, là không có căn cứ.

Bên cạnh đó, theo đơn tố cáo của bà Chúc về hai đối tượng lừa đảo, có thể thấy lỗi của bà Chúc khi cài đặt các phần mềm độc hại mà họ yêu cầu, "gián tiếp cung cấp" cho kẻ lừa đảo tên đăng nhập, mật khẩu, OTP để giao dịch Techcombank Mobile. Vì vậy việc bị kẻ gian lấy hết tiền "hoàn toàn do lỗi của bà".

Khi người thân chuyển tiền vào tài khoản, bà Chúc không chủ động thường xuyên kiểm tra số tiền đã nhận, từ đó "tạo điều kiện" cho kẻ lừa đảo chuyển ngay tiền của bà đi tài khoản khác...

Từ những lập luận như trên, Tòa tuyên bác kháng cáo của bà Trần Thị Chúc, chấp nhận kháng cáo của Techcombank và kháng nghị của viện kiểm sát. Do vậy, Techcombank không có nghĩa vụ phải bồi thường số tiền 14,6 tỉ đồng mà khách hàng đã bị mất.
 
Bên trên